VIÊM LỢI LOÉT HOẠI TỬ CẤP NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Viêm lợi loét hoại tử cấp là tình trạng nhiễm khuẩn miệng cấp tính với triệu chứng điển hình là hiện tượng loét, hoại tử mô nướu. Tình trạng này có thể phục hồi nhanh nếu được điều trị đúng cách và kịp thời. Tuy nhiên nếu chủ quan, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn mãn tính gây tổn thương nướu và các cơ quan bao quanh răng. 

Viêm lợi loét hoại tử cấp
Viêm lợi loét hoại tử cấp (Acute Necrotizing Ulcerative Gingivitis/ ANUG)

Viêm lợi loét hoại tử cấp là gì?

Viêm lợi loét hoại tử cấp (Acute Necrotizing Ulcerative Gingivitis/ ANUG) còn được gọi là viêm miệng Vincent, viêm nướu hoại tử lở loét cấp tính. Thuật ngữ này đề cập đến tình trạng nhiễm khuẩn miệng cấp tính với tổn thương đặc trưng là các vết loét và hoại tử mô nướu (lợi). Bệnh lý này thường gặp ở người có thói quen hút thuốc lá, căng thẳng, vệ sinh răng miệng kém, suy giảm miễn dịch và người có sẵn các bệnh lý nha khoa (viêm nướu, viêm nha chu mãn tính).

Khác với các bệnh răng miệng thông thường, viêm lợi loét hoại tử cấp tính là bệnh có diễn tiến nhanh chóng chỉ trong 1 – 2 ngày. Các triệu chứng khá dễ nhận biết nhưng không có tính điển hình cao nên dễ bị nhầm lẫn với viêm niêm mạc do virus herpes.

Mặc dù có diễn tiến nhanh nhưng viêm lợi loét hoại tử cấp tính có thể được kiểm soát và phục hồi tốt nếu được điều trị theo đúng phác đồ. Ngược lại, tình trạng chủ quan có thể khiến mô nướu bị tổn thương nặng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển phá hủy các tổ chức bao xung quanh răng khác như dây chằng nha chu, cement và xương ổ răng.

Nguyên nhân gây bệnh viêm lợi loét hoại tử cấp

Nguyên nhân trực tiếp gây viêm lợi loét hoại tử cấp là do sự bùng phát đột ngột của các chủng vi khuẩn trong khoang miệng. Thông thường, các vi khuẩn này chỉ tồn tại với số lượng hạn chế dưới sự kiểm soát của các tế bào miễn dịch.

Tuy nhiên khi có yếu tố thuận lợi, hại khuẩn có thể phát triển quá mức gây phá hủy mô lợi dẫn đến tổn thương dạng loét và hoại tử. Trong các mô lợi bị viêm, hoại tử thường có sự hiện diện của các chủng vi khuẩn như Treponema spp., Porphyromonas gingivalis, Selenomonas spp., Prevotella intermedia, Fusobacterium,…

Các nguyên nhân, yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến viêm lợi loét hoại tử cấp:

1. Stress (căng thẳng thần kinh kéo dài)

Stress được xem là nguyên nhân phổ biến gây viêm lợi loét hoại tử cấp. Khi cơ thể bị căng thẳng, vỏ tuyến thượng thận sẽ sản sinh hormone cortisol (corticosteroid) dẫn đến ức chế hệ miễn dịch. Điều này dẫn đến tình trạng vi khuẩn có hại trong khoang miệng dễ dàng phát triển mạnh và gây tổn thương, hoại tử lợi răng cấp tính.

Viêm lợi loét hoại tử cấp
Stress (căng thẳng) được xem là nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm lợi loét hoại tử cấp

Ngoài ra, căng thẳng kéo dài còn làm tăng nguy cơ mắc nhiều vấn đề về răng miệng như viêm loét niêm mạc miệng, sâu răng, viêm nướu răng, viêm nha chu,… – đặc biệt là ở người có hệ miễn dịch kém.

2. Hút thuốc lá lâu năm

Hút thuốc là cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm nướu loét hoại tử cấp. Nghiên cứu cho thấy, nicotin trong khói thuốc sẽ làm tăng sản xuất epinephrine và catecholamine – các chất này khiến khả năng tuần hoàn ở mô nướu giảm dẫn đến tăng nguy cơ hoại tử lợi.

Hơn nữa, hút thuốc lá thường xuyên còn khiến cơ thể dễ căng thẳng và giảm tiết nước bọt đáng kể. Nước bọt là yếu tố quan trọng đối với sức khỏe răng miệng do giữ nhiều chức năng như trung hòa axit từ vi khuẩn, tái khoáng men răng và ức chế sự phát triển quá mức của hại khuẩn.

Viêm nướu hoại tử lở loét cấp tính
Hút thuốc lá khiến khoang miệng giảm tiết nước bọt và giảm lưu lượng máu về nướu dẫn đến viêm lợi loét hoại tử cấp

Có thể thấy, hút thuốc lá gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe răng miệng. Thói quen này kéo dài dẫn đến bệnh viêm nướu loét hoại tử cấp và nhiều vấn đề nha khoa khác như sâu răng, viêm nha chu, viêm tủy răng, áp xe răng,…

3. Vệ sinh răng miệng kém

Vệ sinh răng miệng kém là yếu tố làm tăng nguy cơ viêm lợi loét hoại tử cấp. Khi răng miệng không được làm sạch, vi khuẩn có hại trong khoang miệng sẽ phát triển mạnh gây tổn thương nướu, men răng và các cơ quan khác. Đối với những người có nguy cơ cao (hút thuốc lá, suy giảm miễn dịch, stress,…), vệ sinh răng miệng kém cũng có thể sẽ dẫn đến viêm nướu loét hoại tử cấp.

4. Các yếu tố khác

Ngoài ra, bệnh viêm lợi loét hoại tử cấp cũng có thể xảy ra do những yếu tố khác như:

Viêm nướu hoại tử lở loét cấp tính
Nguy cơ bị viêm nướu hoại tử lở loét cấp tính có thể tăng lên khi đang mang thai và hành kinh
  • Chế độ ăn uống: Chế độ dinh dưỡng ít chất đạm có thể gây gia tăng histamine, giảm lưu lượng máu nuôi nướu và giảm bạch cầu đa nhân (tế bào miễn dịch). Từ đó khiến mô lợi dễ bị hoại tử, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để hại khuẩn phát triển và gây tổn thương mô nướu bao xung quanh răng.
  • Ảnh hưởng của quá trình mang thai, kinh nguyệt: Khi mang thai, hành kinh, nội tiết tố trong cơ thể thay đổi khiến vi khuẩn có điều kiện thuận lợi để phát triển. Cũng chính vì vậy mà viêm lợi loét hoại tử cấp và các bệnh nha khoa thường ảnh hưởng nhiều đến bà bầu.
  • Hệ miễn dịch suy giảm: Hệ miễn dịch suy giảm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa, bao gồm cả viêm nướu loét hoại tử cấp. Hại khuẩn trong khoang miệng thường được kiểm soát bởi hệ miễn dịch để tránh sự phát triển quá mức. Tuy nhiên khi sức đề kháng suy giảm, hại khuẩn sẽ bùng phát đột ngột gây loét và hoại tử mô lợi. Do đó, bệnh lý này thường gặp ở người nhiễm HIV, suy dinh dưỡng và tiểu đường.

Các triệu chứng của bệnh viêm lợi loét hoại tử cấp

Viêm lợi loét hoại tử cấp là bệnh răng miệng có triệu chứng dễ nhận biết với quá trình khởi phát diễn ra nhanh chóng (1 – 2 ngày). Các triệu chứng cơ năng của bệnh lý này dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh nha khoa khác. Tuy nhiên, bạn có thể nhận biết viêm nướu loét hoại tử cấp thông qua tổn thương thực thể có tính điển hình cao.

– Triệu chứng toàn thân do viêm lợi loét hoại tử cấp gây ra:

  • Biếng ăn
  • Mệt mỏi
  • Sốt nhẹ đến sốt cao

– Triệu chứng tại chỗ do viêm lợi loét hoại tử cấp gây ra:

Viêm nướu hoại tử lở loét cấp tính
Hình ảnh viêm lợi loét hoại tử cấp tính
  • Gây sưng hạch dưới hàm
  • Quan sát bên trong miệng nhận thấy vùng nhú lợi và viền lợi xuất hiện tổn thương dạng loét và hoại tử (vết loét có vùng lõm ở trung tâm, bắt đầu từ nhú lợi rồi lan sang viền lợi)
  • Tổn thương dạng loét, hoại tử do bệnh viêm nướu loét hoại tử cấp có giới hạn rõ ràng
  • Trên mô lợi bị hoại tử xuất hiện lớp giả mạc màu trắng (bao gồm fibrin, mô hoại tử, bạch cầu). Lớp giả mạc dễ cạo, khi cạo sẽ gây tổn thương chảy máu.
  • Mô lợi nhạy cảm, có thể tự chảy máu hoặc chảy máu khi va chạm
  • Viêm nướu loét hoại tử cấp chỉ gây đau ở mức vừa phải khi mới phát. Tuy nhiên theo thời gian, mức độ đau tăng lên (đặc biệt là khi nhai) kèm theo tình trạng tăng tiết nước bọt
  • Khoang miệng có mùi rất hôi và có vị kim loại

Mức độ nghiêm trọng của tổn thương mô nướu ở bệnh viêm lợi loét hoại tử cấp không phụ thuộc vào sự tích tụ mảng bám và cao răng như viêm nướu hay viêm nha chu mà chủ yếu do hệ miễn dịch của từng người.

Viêm lợi loét hoại tử cấp có nguy hiểm không?

Viêm lợi loét hoại tử cấp là bệnh viêm nhiễm răng miệng có tiến triển nhanh chóng. So với các bệnh thường gặp như viêm loét niêm mạc miệng, viêm nha chu và viêm lợi, bệnh lý này có quá trình khởi phát diễn ra ngắn (chỉ khoảng 1 – 2 ngày). Nếu được điều trị sớm, mô lợi sẽ nhanh chóng hồi phục.

Tuy nhiên nếu chủ quan, viêm nướu loét hoại tử cấp có thể chuyển biến nặng. Tạo điều kiện thuận lợi dể vi khuẩn phát triển gây hư hại các cấu trúc quanh răng khác như dây chằng nha chu, xương ổ răng và cement. Về lâu dài, tình trạng này có thể khiến chân răng lung lay, lỏng lẻo, dễ đau nhức, chảy máu,…

Ở một số trường hợp, viêm nướu loét hoại tử cấp không được điều trị còn gây ra các biến chứng như viêm họng, viêm amidan, tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp dưới, nhiễm trùng niêm mạc má, sàn miệng,… Nếu xảy ra trong thời gian mang thai, bệnh lý này còn gây ra các biến chứng thai kỳ như sinh non và trẻ sinh ra nhẹ cân.

Viêm nướu loét hoại tử cấp có thể thuyên giảm dần sau 5 – 7 ngày và chuyển sang giai đoạn mãn tính. Ở giai đoạn mãn tính, các triệu chứng của bệnh sẽ giảm dần về mức độ và tần suất nhưng rất dễ tái phát. Các đợt xen kẽ cấp tính – mãn tính khiến nhú lợi và bờ lợi bị tổn thương, mất hình dạng ban đầu.

Theo thời gian, hiện tượng hoại tử lan đến xương ổ răng gây tụt lợi và tiêu xương nhanh. Tình trạng này thường gặp ở những trường hợp chủ quan, không điều trị bệnh triệt để.

Chẩn đoán bệnh viêm lợi loét hoại tử cấp

Bệnh viêm lợi loét hoại tử cấp có triệu chứng ngay từ giai đoạn mới phát nên rất dễ nhận biết. Tuy nhiên, biểu hiện của bệnh lý này có thể bị nhầm lẫn với viêm lợi do virus herpes. Trước khi tiến hành điều trị, bác sĩ sẽ thực hiện các bước chẩn đoán sau:

Viêm lợi loét hoại tử cấp
Chẩn đoán viêm lợi loét hoại tử cấp bao gồm khám lâm sàng, X-Quang, xét nghiệm máu,…
  • Khám lâm sàng: Chủ yếu dựa vào triệu chứng toàn thân và tại chỗ. Ngoài ra, bác sĩ có thể đặt câu hỏi về các triệu chứng mà bạn gặp phải và đánh giá nguy cơ mắc bệnh (có bị stress, tiểu đường, mang thai, nhiễm HIV, mắc các bệnh nha khoa mãn tính,…
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu trong trường hợp viêm nướu loét hoại tử cấp nhận thấy tốc độ lắng máu tăng và số lượng bạch cầu tăng.
  • X-Quang: Hình ảnh từ X-Quang ở người bị viêm lợi loét hoại tử cấp không có tổn thương xương ổ răng (khác với viêm nha chu). Qua xét nghiệm này, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán xác định và loại trừ được các bệnh lý có liên quan.
  • Cấy vi khuẩn: Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ lấy giả mạc bên trong mô lợi để nuôi cấy vi khuẩn. Việc xác định chủng vi khuẩn sẽ giúp quá trình điều trị diễn ra thuận lợi và mang lại hiệu quả cao hơn.

Cách điều trị viêm lợi loét hoại tử cấp

Viêm lợi loét hoại tử cấp ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe răng miệng cũng như tổng thể. Nếu không điều trị dứt điểm, bệnh có nguy cơ tái phát cao dẫn đến tụt lợi, tiêu xương ổ răng và về lâu dài có thể gây mất răng. Vì vậy, bạn nên thăm khám sớm để điều trị bệnh dứt điểm, triệt để.

1. Nguyên tắc điều trị

Đối với bệnh viêm lợi loét hoại tử cấp, điều trị được thực hiện theo nguyên tắc sau:

  • Kiểm soát hiện tượng viêm, hoại tử cấp và điều trị dứt điểm viêm lợi mãn tính (nếu có)
  • Làm giảm các triệu chứng nhiễm độc toàn thân (do nhiễm khuẩn) bao gồm khó chịu, mệt mỏi, sốt cao,…
  • Khắc phục các điều kiện thuận lợi gây viêm nướu loét hoại tử cấp như bênh toàn thân, nhiễm HIV/ AIDS,…

2. Điều trị lần 1

Trong lần điều trị đầu tiên, mục tiêu là giới hạn các mô nướu bị viêm và hoại tử cấp tính. Quá trình điều trị bao gồm các bước sau đây:

  • Cách ly và làm khô vùng nướu tổn thương bằng bông gòn
  • Sử dụng thuốc gây tê để làm giảm đau tại chỗ
  • Dùng bông gòn để lau sạch giả mạc ở những vùng niêm mạc lợi bị hoại tử
  • Sử dụng nước ấm để làm sạch mủ, niêm mạc ở vùng nướu tổn thương
  • Sau khi làm sạch tổn thương, bác sĩ có thể chỉ định lấy cao răng ở lớp lợi nông bằng máy siêu âm để lợi nhanh phục hồi hơn
  • Súc miệng bằng hỗn dịch theo công thức (1 cốc nước ấm + 1 cốc oxy già 3%) đều đặn 2 giờ/ lần để làm sạch vi khuẩn trong khoang miệng.
  • Kết hợp với súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn chứa Chlorhexidine 0.12% trung bình 2 lần/ ngày

Nếu điều trị sớm, tình trạng viêm loét và hoại tử mô lợi sẽ được kiểm soát hoàn toàn trong vài ngày. Đối với trường hợp phát hiện muộn, viêm lợi loét hoại tử cấp có mức độ trung bình và nặng (gây triệu chứng toàn thân, nổi hạch), cần kết hợp điều trị tại chỗ với sử dụng kháng sinh đường uống.

Viêm lợi loét hoại tử cấp
Trường hợp viêm nướu loét hoại tử cấp có mức độ trung bình và nặng cần điều trị bằng kháng sinh đường uống
  • Lựa chọn ưu tiên là penicilin 250 – 500mg/ lần trong mỗi 6 giờ và Metronidazole 250 – 500mg/ 3 lần/ ngày
  • Với bệnh nhân dị ứng với kháng sinh nhóm penicilin, bác sĩ thay thế bằng Erythromycin 250 – 500mg/ lần mỗi 6 giờ

Trong lần điều trị đầu tiên, bác sĩ sẽ không lấy cao răng ở vùng lợi sâu do nguy cơ nhiễm khuẩn máu. Các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật quanh răng và nhổ răng cũng phải trì hoãn sau khi triệu chứng thuyên giảm ít nhất 4 tuần.

Sau khi điều trị tại bệnh viện, bạn cần thực hiện các biện pháp điều trị và chăm sóc khi trở về nhà để kiểm soát viêm nướu loét hoại tử cấp triệt để:

  • Súc miệng bằng oxy già ấm theo tỷ lệ trên 2 giờ/ lần và súc miệng bằng Chlorhexidine 0.12% 2 lần/ ngày
  • Tráng gắng sức quá mức
  • Hạn chế đánh răng vì có thể gây tổn thương, rách và chảy máu mô nướu
  • Không dùng món ăn chứa gia vị, không uống rượu bia và hút thuốc
  • Sinh hoạt như bình thường nhưng cần tránh căng thẳng và ngủ nghỉ đúng giờ

3. Điều trị lần 2 (sau 1 – 2 ngày)

Sau khoảng 1 – 2 ngày, bạn cần quay lại bệnh viện để được tái khám mức độ phục hồi. Tùy theo mức độ tổn thương của mô lợi, bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp sau:

  • Lấy cao răng nhẹ nhàng để mô nướu hồi phục hoàn toàn.
  • Tiếp tục điều trị như lần 1 để vùng lợi bị loét và hoại tử được làm lành.

4. Điều trị lần 3 (sau lần hai từ 1 – 2 ngày)

Sau lần điều trị thứ 2, bạn cần quay trở lại phòng khám sau 1 – 2 ngày để được tái khám. Nếu tiến triển tốt, điều trị thường bao gồm các bước sau:

  • Lấy cao răng ở vùng lợi sâu + làm nhẵn chân răng để mô nướu phục hồi và bám dính vào chân răng hoàn toàn
  • Sau đó, ngừng súc miệng bằng oxy già, tiếp tục súc miệng bằng dung dịch Chlorhexidine từ 2 – 3 tuần và thực hiện các biện pháp vệ sinh răng miệng để phòng ngừa hình thành mảng bám

5. Các lần điều trị tiếp theo

Sau khi kiểm soát hoàn toàn viêm lợi loét hoại tử cấp, bạn cần quay lại bệnh viện để được tái khám và can thiệp xử lý các điều kiện thuận lợi có thể gây tái phát bệnh. Tùy theo tình trạng cụ thể, điều trị có thể bao gồm các phương pháp sau:

Viêm nướu loét hoại tử cấp
Ở lần điều trị cuối, bác sĩ sẽ tiến hành lấy cao răng và làm nhẵn chân răng các răng còn lại
  • Lấy cao răng và làm nhẵn chân răng các răng còn lại
  • Bác sĩ sẽ đánh giá hiệu quả kiểm soát mảng bám (thói quen vệ sinh răng miệng) của bạn. Trong trường hợp vệ sinh kém, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách chải răng, dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng để ngăn ngừa mảng bám hiệu quả.
  • Nếu viêm lợi loét hoại tử cấp có liên quan đến viêm lợi mãn tính hay các bệnh nha khoa khác, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị triệt để để phòng ngừa bệnh tái phát
  • Đối với những trường hợp không có các bệnh nha khoa khác đi kèm sẽ được kết thúc điều trị.

6. Các điều trị bổ sung

Tùy theo tình trạng phục hồi của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể cân nhắc can thiệp thêm một số phương pháp điều trị bổ sung. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị thực hiện các phương pháp thẩm mỹ để chỉnh hình lại nướu răng trong trường hợp nướu mất hình dạng vốn có.

Các phương pháp điều trị bổ sung được áp dụng trong điều trị viêm lợi loét hoại tử cấp:

  • Phẫu thuật tạo đường viền lợi sinh lý
  • Phẫu thuật quanh răng, nhổ răng (thực hiện sau 4 tuần khi triệu chứng do viêm nướu loét hoại tử cấp gây ra hết hẳn)
  • Sử dụng một số loại thuốc tại chỗ (hydrogen peroxide, perborate natri,…) để kiểm soát viêm nhiễm và giúp mô nướu tái tạo, phục hồi tốt hơn
  • Để nâng đỡ thể trạng, bác sĩ có thể chỉ định truyền dịch và bổ sung vitamin C, B, PP,…

Viêm nướu loét hoại tử cấp có thể được điều trị dứt điểm nếu tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh được xác định đã chữa khỏi khi lợi răng trở lại hình thái ban đầu và chân răng được bao phủ mới mô nướu khỏe mạnh.

7. Trường hợp điều trị thất bại

Có không ít trường hợp viêm lợi loét hoại tử cấp thất bại khi điều trị. Nguyên nhân thường do tự ý ngưng điều trị khi triệu chứng thuyên giảm, khớp cắn sâu, không chữa trị dứt điểm các bệnh nha khoa có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh (viêm lợi mãn tính, các túi quanh răng,…).

Đối với trường hợp điều trị thất bại, bác sĩ sẽ tiến hành các biện pháp xử lý sau:

  • Ngưng toàn bộ các loại thuốc sử dụng tại chỗ
  • Chẩn đoán lại để phân biệt viêm nướu loét hoại tử cấp với các bệnh lý có triệu chứng tương tự
  • Xác định lại các yếu tố toàn thân và tại chỗ có thể bị bỏ sót
  • Dựa vào tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp

Phòng ngừa bệnh viêm lợi loét hoại tử cấp

Viêm lợi loét hoại tử cấp là bệnh lý có nguy cơ tái phát cao, nhất là những người có nguy cơ như bị tiểu đường, nhiễm HIV/ AIDS, stress,… Để phòng ngừa bệnh tái phát, bạn có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản sau:

Viêm lợi loét hoại tử cấp
Phòng ngừa viêm nướu loét hoại tử cấp tái phát bằng cách vệ sinh răng miệng đúng cách
  • Ngăn ngừa hình thành mảng bám để tránh nguy cơ bị viêm lợi và viêm nha chu. Hai bệnh lý này được xem là yếu tố thuận lợi để vi khuẩn trong khoang miệng bùng phát mạnh gây viêm nướu loét hoại tử cấp. Để ngăn ngừa mảng bám và vôi răng tích tụ, cần chải răng 2 – 3 lần/ ngày, sử dụng chỉ nha khoa và súc miệng với nước muối thường xuyên.
  • Khoảng 2 – 3 tháng, bạn nên sử dụng các loại dung dịch súc miệng chứa hoạt chất kháng khuẩn như Chlorhexidine, Hexetidine,… để phòng ngừa vi khuẩn phát triển và giảm nguy cơ tái phát viêm nướu loét hoại tử cấp.
  • Khi chải răng, ăn uống nên tránh dùng lực quá mạnh để hạn chế tổn thương mô lợi. Tổn thương hở ở lợi chính là yếu tố thuận lợi để vi khuẩn phát triển gây viêm nướu loét hoại tử cấp.
  • Ăn uống điều độ, cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng cần thiết để nâng cao sức khỏe và hệ miễn dịch.
  • Khám răng miệng định kỳ 3 – 6 tháng/ lần để được lấy cao răng và phát hiện sớm các bệnh tiềm ẩn.
  • Chủ động gặp bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt khi nhận thấy răng miệng có những dấu hiệu bất thường. Tránh chủ quan khiến bệnh tiến triển nặng, gây nhiều biến chứng và khó khăn hơn khi điều trị về sau.

Viêm lợi loét hoại tử cấp là bệnh nhiễm khuẩn răng miệng cấp có triệu chứng nặng nề và diễn tiến nhanh chóng. Để bảo vệ răng miệng và giảm thiểu tối đa nguy cơ bệnh tái phát, bạn nên điều trị sớm và tuân thủ tuyệt đối các hướng dẫn của bác sĩ.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *